Câu chuyện " Hai vợ chồng mang một chiếc dép" mới nghe qua chắc hẳn ai cũng nhíu mày và suy nghĩ , nghĩa là sao? đây là câu chuyện có thật xẩy ra ở huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam.
Nếu anh chị biết cái tên nầy do ai đặt thì anh chị sẽ thấy thích thú hơn. Nguyên là có một ngưòi ngoại quốc đi qua huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam . Ông ta thấy một cặp vợ chồng, người chồng thì mù hai mắt và còn một cái chân, chị vợ thì sáng hai mắt nhưng đã cụt hai chân. Ông ta thấy hai vợ chồng cùng nhau đi bán quạt giấy và tăm xỉa răng. Ông chồng nhờ đôi mắt của bà vợ, và bà vợ nhờ một cái chân và một cái nạn gỗ của ông chồng, họ nương nhau để sống. Ông ta đã chụp hình anh Định đang đi bán hàng. Thế rồi năm 2008 ông lại về Việt Nam, đến một tổ chức từ thiện tại Huế, đưa tấm hình ra và nhờ trao lại cho hai vợ chồng nầy một số tiền.
Khi nhận được số tiền nầy, các anh em tại Huế nhờ thầy Phúc, vốn đang sống tại Quảng Nam , đến Duy Xuyên tìm người trao lại tiền. Thầy giáo Phúc đã mất gần một ngày trời chạy khắp vùng Duy Xuyên, đưa tấm hình ra hỏi mọi người, và cuối cùng đã tìm ra vợ chồng anh chị Phạm Văn Định, đúng như lời ông “Tây” diễn tả là “hai vợ chồng mang một chiếc dép”.
Hôm nay trong chuyến công tác từ thiện tại Quảng Nam, trên đường đi thăm chương trình khuyết tật, bệnh hiểm nghèo, và người già neo đơn, tôi cùng Phúc và anh Sang đi vào hẻm đến nhà anh Định. Vợ chồng anh Định sống trong một căn nhà tình thương, do một tổ chức từ thiện tặng, nhà được xây trên miến đất cao ráo, sạch sẽ và thoáng mát. Từ dưới chân đồi, tôi đã thấy anh Định đang ngồi chẻ lạt đan quạt một cách chăm chú trước hiên nhà. Nghe tiếng Phúc chào, anh Định nhận ra giọng người quen, đã mở nụ cười thật tươi và mời chúng tôi lên nhà trên đồi. Tôi có nhiều cảm tình với anh Định qua khuôn mặt vui tươi và hình ảnh cần cù trong công việc của anh.. Nhìn vào căn nhà để tìm chị Định, không thấy chị mà chỉ thấy toàn tre và lạt nằm ngổn ngang khắp nơi. Anh Định chuẩn bị lết vô nhà bằng hai tay rồi nói “vợ tui đi ra chợ gần đây chút xíu về liền, xin mời các anh chị vào nhà uống nước”.
Tôi và anh Sang từ chối lời mời, hai anh em ngồi xuống trò chuyện chơi với anh Định ngay trước hiên nhà. Nghe là mời nước nhưng trong nhà không thấy ly tách, chẳng thấy bình trà, ngay cả cái giường để ngủ, cái ghế để ngồi cũng không có, nếu lấy hết tre và lạt đi thì đây là một căn nhà rỗng tuyếch. Anh Định cho biết anh chị không có thân nhân từ tấm bé, cùng nhau lớn lên trong trại mồ côi. Khi đến tuổi trưởng thành anh chị gặp nhau rồi thương nhau và đưa nhau ra khỏi trại mồ côi để xin ăn kiếm sống tại thành phố Đà Nẳng. Khi chính sách của Đà Nẵng là không cho người hành nghề ăn xin lai vãng trong thành phố, anh chị chuyển sang nghề làm quạt giấy, mỗi cái 3.000 đồng (2 cents usd) và tăm tre, mỗi gói 1.000 đồng. Trong đời sống văn minh ngày nay đâu còn ai dùng quạt giấy, tăm tre, vậy mà anh Định cho biết vẫn có người mua hàng của anh. Không biết mua về để làm gì, nhưng một chiếc quạt giấy 3.000 đồng thì họ đưa cho anh 5.000 đồng hay 10.000 đồng, một gói tăm xỉa răng 1.000 đồng thì họ đưa cho anh 2.000 đồng hay 5.000 đồng. Anh chị rất thích thú và sống hạnh phúc bên nhau với cái nghề mới, cũng là có thêm tiền người đi đường cho nhưng mình không ngửa tay xin, cùng nhau làm việc, cùng nhau kiếm ra đồng tiền nuôi sống bản thân.
Tôi rất vui khi nhìn thấy nụ cười tự tin và thân mật của anh Định, niềm tin yêu trong anh đã lan toả trong lòng tôi. Dù không may khi ra đời với một thân thể không được trọn vẹn, nhưng với lòng tự trọng và bản năng sinh tồn, anh chị đã trở thành một người có cơ thể trọn vẹn hơn những người bình thường đang sống nương nhờ gia đình và xã hội. Dù anh chị rất nghèo. sống trong căn nhà tình thương và đi lại cùng nhau bằng một chiếc dép, vậy mà ngày cũng như đêm; họ luôn có mặt bên nhau, biết nương nhau để sống. Hạnh phúc của anh chị xem ra còn nhiều hơn những cặp vợ chồng lành lặn khác. Tôi rất kính phục và đã nói nhiều lời khen ngợi anh chị. Để khích lệ và đóng góp thêm cho công việc sinh sống của anh, tôi đã xuất quỹ “tàn tật” 600,000 đồng, tặng và đề nghị với anh chị rằng, nếu được, xin dùng số tiền nầy mua những mặt hàng như: bàn chải đánh răng, lượt chải đầu, kẹp bấm móng tay, quẹt lửa bằng gas …v.v. Số tiền tôi cầm theo trong chuyến đi có giới hạn, một chút tịnh tài làm quà mọn cho lần gặp gở
Những món hàng nầy bán ra cũng chỉ vài ngàn đồng, và khách hàng cũng có thể cho thêm tiền như họ đã cho khi mua quạt, nhưng tôi nghĩ rằng những mặt hàng nầy họ có thể đem về dùng được. Những chiếc quạt và tăm tre của anh chị làm ra mất nhiều công, phải chặt đốn tre và tiêu thụ giấy xi măng làm ảnh hưởng môi trường xanh. Người ta mua về lại ít có cơ hội dùng đến. Tôi nói với anh Định là anh nên mua càng nhiều mặt hàng càng tốt, cứ mỗi loại chỉ cần 3 đến 5 cái để bán, càng nhiều mặt hàng bao nhiêu càng dễ cho người ta chọn lựa để mua và từ đó số tiền khách hàng cho thêm càng nhiều. Giảm đi thời gian làm quạt và chẻ tăm tăng giờ đi bán thì anh chị sẽ có tiền mua sắm vật dụng trong nhà.
Chúng tôi rời nhà với nụ cười tươi tiễn chân của anh Định theo chúng tôi đi xuống chân đồi. Cuộc đời khốn khổ mà vẫn vui tươi với lẽ sống của anh Định đã dạy cho tôi bài học để biết ơn những gì mà Trời Đất đã cho tôi, từ cái có được một thân thể trọn vẹn, được sanh ra trong một gia đình có Mẹ có Cha, và nhất là được tiếp nhận giáo lý của đạo Phật để có thể thấy được tất cả sự mầu nhiệu của cuộc đời nầy, để vững tiến trên con đường tu học. Anh chị em thiện nguyện viên của chúng tôi cám ơn quý ân nhân đã tạo điều kiện cho chúng tôi tìm đến các mảnh đời bất hạnh, và cám ơn các mảnh đời bất hạnh đã cho chúng tôi bài học biết trân qúy cuộc đời.
Đọc tiếp ...